SÂM NGỌC LINH – TINH HOA ĐẠI NGÀN

Rate this post

Sâm Ngọc Linh sống chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam và Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum) ở độ cao từ 1.200m đến 2.400m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm trên thế giới với 26 dược chất được phát hiện và 24 dược chất quý đang phân tích.  

Từ cấy thuốc giấu

Cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm K5, sâm mắt trúc mọc tự nhiên từ rất lâu và chỉ duy nhất ở vùng núi Ngọc Linh. Từ xa xưa, người dân Xê Đăng ở đây gọi là củ Kang và đã biết đến công dụng của loại củ này đối với sức khỏe con người. Họ sử dụng củ sâm như một loại thuốc cổ truyền để cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, điều trị sốt rét, chữa đau bụng, phù thũng… Già làng Hồ Văn Reo năm nay 75 tuổi ở tại nóc Măng Lùng (thôn 2 xã Trà Linh) cho biết, từ nhỏ ông thường theo người lớn trong làng vào rừng để đào củ sâm đem về nhà làm thuốc chữa bệnh. Do cây sâm tự nhiên mọc dưới tán lá rừng già ở những nơi ẩm ướt nên muốn hái được phải chọn thời điểm khoảng tháng 8 vì khi đó hạt sâm chín đỏ nên rất dễ phát hiện. Củ sâm sau khi đem về sẽ được chôn dưới đất để giữ tươi. Mỗi khi trong làng có người ốm, đau chỉ cần đem sâm ra giã nhuyễn cho vào miệng ngậm là lành bệnh ngay. Nhất là những trường hợp dân làng bị thương trong quá trình săn bắt thú rừng hoặc đi nương, đi rẫy chỉ cần nhai nhỏ củ sâm rồi đắp trực tiếp vào vết thương thì sẽ cầm máu ngay lập tức. “Ngày xưa làm gì có bệnh viện, thuốc tây. Mỗi khi đau ốm, thương tật dân làng Xê Đăng chúng tôi chủ yếu dùng củ sâm để chữa trị. Bây giờ cũng vậy, khi ốm đau thì củ sâm là ưu tiên hàng đầu trong việc chữa trị bệnh. Người Xê Đăng gọi nó là cây thuốc giấu quý hiếm mà” – Già làng Reo cho biết.

Đến loài sâm quý hiếm

Những năm chiến tranh, vùng rừng núi Nam Trà My là căn cứ cách mạng của Liên khu ủy và Ban Quân sự Khu 5 nên bộ đội đóng quân rất đông. Trong đó có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ bị sốt rét hành hạ đến thập tử nhất sinh. Trước tình cảnh đó, dân làng Xê Đăng đã vào rừng đảo củ sâm về chưa sốt rét cho bộ đội. Thậm chí những chuyến hành quân xa, khi  bộ đội ngậm củ sâm trong miệng thì việc leo núi rất nhanh chóng, ít mệt hơn. Từ đó thông tin về một loại củ rừng có công dụng rất hứu hiệu đã được lan truyền nhanh chóng. Đến năm 1973, khu Y tế Trung Trung Bộ cử một tổ công tác đi điều tra phát hiện cây sâm mọc rất nhiều trên đỉnh núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800 mét so với mặt biển. Sau khi sâm được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Qua kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có đó là giúp cơ thể kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Kể từ sau khi khoa học phát hiện và nghiên cứu đã giúp cây sâm Ngọc Linh thành một loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao. Khoảng năm 1980 đến nay, người Xê Đăng ở Trà Linh đã tập trung vào rừng tìm củ sâm Ngọc Linh đưa về trồng trong các khu vườn để chăm sóc, bảo quản tốt hơn. Hiện trên toàn huyện Nam Trà My có khoảng 2.500 héc ta vườn sâm do nhân dân phát triển. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My cũng đã thành lập 2 Trạm dược liệu ngay tại Thôn 2 xã Trà Linh với mục đích bảo tồn nguồn giống để cung ứng kịp thời nhu cầu phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương.